LIÊN HOAN “TIẾNG HÁT VỀ NGUỒN” LẦN THỨ XXIII – NĂM 2024
Liên hoan “Tiếng hát về nguồn” do Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch chủ trì tổ chức hàng năm và luân phiên ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thế hệ người đi trước đã có công lao to lớn đối với quê hương Bình Thuận nói riêng và Tổ quốc Việt Nam thân yêu nói chung. Năm 2024, Liên hoan do huyện Hàm Thuận Bắc đăng cai tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của 10 đoàn Văn nghệ – Thao từ các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phú Quý, Hàm Tân, Tánh Linh, Tuy Phong, Bắc Bình, thị xã Lagi, thành phố Phan Thiết và Nhà thiếu nhi tỉnh.
Nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của cha, anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời là dịp để các cơ quan, đơn vị ngành Văn hóa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Thuận đến giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết giữa cán bộ và nhân dân; huyện Hàm Thuận Bắc đã quyết định tổ chức Liên hoan tại xã Đông Giang.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc- Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan cho biết: Huyện Hàm Thuận Bắc lấy làm vinh dự khi được đăng cai Liên hoan lần thứ 23 năm 2024, sau khi Liên hoan bị hoãn suốt 4 năm qua vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid. Chúng tôi cố gắng lồng ghép các hoạt động ý nghĩa như tri ân các anh hùng liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa, đồng thời giới thiệu về các điểm đến và nhất là truyền thống đấu tranh vẻ vang của quân và dân huyện Hàm Thuận Bắc”.
Ngoài trình diễn các chương trình ca múa nhạc, các đoàn cũng đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện Hàm Thuận Bắc, hành trình về nguồn thăm khu Căn cứ tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ – Saloun; Thăm gia đình chính sách, tặng quà cho hộ nghèo, chiếu phim phục vụ bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoạt động được xã hội hóa với sự đồng hành của Công ty cổ phần Gembank Việt Nam – Văn phòng Chi nhánh Phan Thiết.
Để ghi nhận những đóng góp tích cực của các đơn vị tham gia Liên hoan Tiếng hát về nguồn lần thứ XXIII – năm 2024, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Bình Thuận đã tặng giấy khen cho các Đoàn Văn nghệ – Thể thao và các đơn vị Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh và UBND xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.
Trong Lễ khai mạc, các đoàn tham dự Liên hoan Tiếng hát về nguồn đã gửi tặng các gia đình chính sách ở 3 xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ những phần quà nghĩa tình. Hoạt động ý nghĩa tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách có công với cách mạng.
Sau nghi thức khai mạc, 10 đoàn văn nghệ đến từ các huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Thuận đã cùng biểu diễn những tiết mục đặc sắc, được đầu tư dàn dựng phục vụ bà con.
Bình Thuận có 35 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự đa dạng về văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các giá trị văn hóa của các dân tộc đã cư trú lâu dài trên địa bàn tỉnh không chỉ là niềm tự hào của tỉnh nhà mà của cả dân tộc Việt Nam. Và phần trình diễn của các đoàn đã khắc họa rõ nét sự đa dạng ấy.
Huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh mang đến những âm thanh của đại ngàn, hòa cùng nhịp chiêng, điệu vũ dân gian khắc họa đời sống của những con người miền cao. Hay vẽ đẹp của những cánh đồng lúa mênh mông trĩu hạt cùng nụ cười người dân hiền hòa, mến yêu, làn da nâu bóng khỏe khoắn với ruộng đồng.
Đoàn Văn nghệ – Thể thao Thị xã Lagi, huyện đảo Phú Quý và thành phố Phan Thiết lại mang vẻ đẹp của miền biển xanh với các bãi tắm hoang sơ, nước trong xanh, khí hậu mát mẻ. Điểm sáng của du lịch Bình Thuận; Nơi lòng người muôn phương hội tụ an cư; Nơi đất trời giao hòa với cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với Liên hoan.
Hai huyện có nền kinh tế ngày càng phát triển nhờ chuyên canh cây thanh long, kết hợp nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch tâm linh, du lịch biển là Hàm Thuận Nam và Hàm Tân lại tự hào mang đến diện mạo mới, sức sống mới: hóa rồng nâng tầm vươn ra thế giới – của quê hương mình. Với các tiết mục do chính các nhạc sĩ Bình Thuận sáng tác là Song ca Tình khúc quê hương (NS Thế Phi) và Hàm Tân sức sống mới (NS Nguyễn Huy Nhân);
Đoàn Bắc Bình lại đưa người xem đến với làng gốm Chăm – làng nghề gốm truyền thống được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tất cả đắm chìm trong điệu múa nhịp nhàng, ngắm những bàn tay cô gái Chăm uyển chuyển, mềm mại tạo nên những tác phẩm gốm độc đáo với các tiết mục múa Đội nước và đơn ca Lửa thiêng.
Năm 2025, Liên hoan Tiếng hát về nguồn lần thứ XXIV sẽ do huyện Tuy Phong đăng cai tổ chức. Ngay sau khi nhận lá cờ truyền thống của Liên hoan, đoàn Văn nghệ – Thể thao huyện Tuy Phong đã vang khúc hát tự hào và mời gọi bạn bè khắp nơi với các ca khúc “Đất Việt tiếng vọng ngàn đời” và tốp ca múa “Đến với Tuy Phong”.
Một Bình Thuận tươi đẹp, giàu truyền thống cách mạng, đang đổi mới, phát triển từng ngày đã được khắc họa đầy sắc màu trong Liên hoan Tiếng hát về nguồn lần thứ 24 năm 2024. Chia tay vùng đất Hàm Thuận Bắc anh hùng, tất cả cùng hẹn nhau để đến với Tuy phong nắng gió, nghĩa tình tại Liên hoan Tiếng hát về nguồn lần thứ 25 năm 2025!
Bài và ảnh Thùy Tiên