TƯNG BỪNG TẾT ĐẦU LÚA DÂN TỘC NĂM 2019
Tết Đầu lúa là Tết cổ truyền của đồng bào Raglai, K’ho sinh sống ở các xã vùng cao huyện Bắc Bình (Bình Thuận), thường được tổ chức từ ngày 15 tháng Chạp hàng năm (sau khi lúa đã được thu hoạch xong). Trước đây, người K’ho và Raglai ăn Tết riêng lẻ từng gia đình và kéo dài đến hết tháng Chạp nhưng những năm gần đây, Tết Đầu lúa được huyện Bắc Bình tổ chức thành Ngày hội Văn hóa – Thể thao của 4 xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền và Phan Tiến. Từ đó, Tết Đầu lúa không chỉ là ngày vui của riêng từng nhà mà nó thật sự trở thành ngày hội của toàn thể đồng bào nơi đây.
Năm nay, Phan Tiến là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao các xã vùng cao diễn ra từ ngày 19 – 20/01/2019. Chương trình được chia thành phần lễ và phần hội.
Phần lễ với các nghi lễ cúng hạt lúa mới để dâng lên thần linh, tổ tiên những hạt gạo tốt nhất; lễ cúng cầu mưa thuận, gió hòa… nhằm thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ và niềm tin của nhân dân đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, bệnh tật để đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.
Phần hội với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao sôi nổi và thi các trò chơi dân gian đặc sắc như: Bóng chuyền, Thi rượu cần, Bắn nỏ, Mang gùi đựng nước trong lồ ô tiếp sức, Giã gạo nấu cơm trong ống lồ ô, Trang trí lều trại và cây nêu, Trình diễn trang phục dân tộc… mang đậm đặc trưng của đồng bào dân tộc.
Tối đến, tất cả mọi người cùng quây quần bên nhau thưởng thức những giọng ca, tiếng hát, những điệu múa của đồng bào, nắm tay nhau nhảy múa bên đống lửa trại, trong tiếng cồng, tiếng chiêng, chia nhau từng chén rượu cần thấm đượm cái tình, sự đoàn kết và yêu thương của gia đình và của cộng đồng.
Trong dịp này, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức triển lãm ảnh “Bác Hồ với Quốc hội và Hội đồng Nhân dân” (70 ảnh) tại Nhà Văn hóa xã Phan Tiến. Đây là hoạt động đưa thông tin về cơ sở. Qua đó, khẳng định, tri ân công lao to lớn và sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ trong quyết tâm tổ chức, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đồng thời cung cấp thông tin giúp cán bộ, và nhân dân địa phương hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, phát huy quyền dân chủ, hăng hái tham gia xây dựng một xã hội ngày càng tiến bộ, dân chủ, văn minh.
Chúng tôi rời đi trong cái siết tay của bà con, nụ cười của những cô giáo trẻ từ đồng bằng đem con chữ lên vùng cao thiếu thốn, trong ánh mắt lạ mà quen của các cô thôn nữ, của các chàng trai mang màu da rắn rỏi của núi rừng. Bản làng khuất sau những dãy núi chập chùng. Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, những cái Tết Đầu lúa sau sẽ ngày càng mang đậm đặc trưng nguyên sơ của đồng bào dân tộc ít người, được nhiều người biết đến và trở thành một Ngày hội đặc trưng của đồng bào Raglai, K’ho cần được bảo tồn.
Thùy Thơ