ẤN TƯỢNG VÀ GIÀU Ý NGHĨA VỚI CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Chào mừng Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2019) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2019), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận thực hiện Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa, với chủ đề: “Rực sáng màu cờ Tổ quốc”, vào ngày 01/9/2019 tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đến tham dự có ông Hồ Trung Phước – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Ngô Minh Chính – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận; cùng đông đảo các lực lượng vũ trang, các Sở, ban, ngành, đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân đến theo dõi.
Mở đầu chương trình bằng Hoạt cảnh: Nhân dân bị xiềng xích nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân đấu tranh; Cách mạng Tháng Tám thành công; Trích: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập do Vũ đoàn Mai Anh biểu diễn. Giọng Bác Hồ trầm ấm vang lên khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong giây phút thiêng liêng ấy, tất thảy mọi người đều đứng lên, yên lặng lắng nghe từng lời của Bác Hồ.
Tiếp nối cảm xúc ấy, lời bài “Quốc ca” vang lên trong tiếng trống của Đội nghi thức Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Thuận như cất cao thêm lòng tự hào dân tộc, tự hào về những điều lớn lao mà thế hệ đi trước cống hiến hết sức mình để giành lấy độc lập, tự do cho thế hệ sau. Các tiết mục tiếp nối chương trình: “Dấu chân phía trước” (Phạm Minh Tuấn) của Quốc Phú và tốp nam nữ; múa độc lập “Hương Sen” (Vũ đoàn Mai Anh), “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh) của Sanh Thịnh đã đem đến nhiều cảm xúc cho những khán giả bên dưới.
Phần II: Non sông rực sáng màu cờ, với phần múa đầy ấn tượng “Ra trận” của Vũ đoàn 123, tái hiện hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, anh dũng, can trường, hy sinh thân mình để chiến đấu và che chở cho bộ đội;
cùng với các tiết mục làm sống lại khí thế hào hùng của quân và dân ta trong giai đoạn kháng chiến chống Thực dân Pháp, trước khởi nghĩa 19/8: Tốp ca nam “Chiến sĩ Việt Nam” (Văn Cao), “Bài ca hy vọng” (Văn Ký) của Như Thảo, Tốp ca “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà).
Phần III: Việt Nam quê hương tôi. Trải qua những tháng ngày bi hùng của đất nước, cùng với ký ức của một thời oanh liệt, nhân dân lại trở về với cuộc sông thường nhật với một tinh thần lạc quan và yêu đời, tiêu biểu là hình ảnh sôi nổi và hào hứng của những ngư dân vùng biển cực Nam Trung Bộ trong tiết mục múa độc lập “Ra khơi” của Vũ đoàn Mai Anh;
Những tà áo dài truyền thống thướt tha đến từ Áo dài Ông Nguyễn, phụ họa cho tiết mục “Xinh tươi Việt Nam” (Nguyễn Hồng Thuận) của Quốc Phú, chàng trai lạc bước giữa những nét đẹp thanh tao và đầy ý nhị của người phụ nữ Việt.
Liên khúc “Những trái tim Việt Nam (Phương Uyên) – Bình Thuận một chặng đường đi tới (Thắng Liêm)” mang theo sự hào hứng, không khí sôi nổi, tự hào trước sự trở mình của quê hương, mang theo vinh quang của dân tộc để sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Chương trình khép lại bằng bó hoa tươi thắm ông Hồ Trung Phước – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy trao cho ông Nguyễn Tú Long – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Thuận.
Sau tất cả những nỗ lực và cố gắng xây dựng một chương trình hoành tráng trong điều kiện thời tiết không như mong muốn, chương trình đã thật sự thành công khi tái hiện mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc đến với công chúng, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử vẻ vang của dân tộc, nêu cao lòng tự hào dân tộc. Đồng thời, phát huy vai trò phục vụ đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, trở thành bữa ăn tinh thần mang đầy ý nghĩa.
Lan Thy