PHAN THIẾT – ĐIỂM ĐẾN CỦA DI SẢN VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
Không chỉ là điểm đến nổi danh với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Thành phố Phan Thiết hiện có 19 di sản văn hóa đã được nhà nước xếp hạng. Trong đó có 8 di tích và 2 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia và 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Với những gì đang có, Phan Thiết xứng đáng được xem là điểm đến của di sản văn hoá !
Hầu hết các di tích đều được hình thành trong thời kì xây dựng và phát triển xóm làng, dân cư của vùng Phan Thiết từ cuối thế kỷ 18 đến nữa cuối thế kỷ 19. Ngoại trừ di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Sah Inư được người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ 8. Hầu hết các di tích đều chứa đựng giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và đang được gìn giữ phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân.
Các di sản văn hóa quốc gia ở phố biển gồm có tháp Chăm Pô Sah Inư, đền thờ và khu mộ cụ Nguyễn Thông, đình làng Đức Thắng, đình làng Đức Nghĩa, Vạn Thủy Tú, đình làng Lạc Đạo, đình làng Tú Luông, và Trường Dục Thanh. Hai lễ hội được xếp hạng cấp quốc gia là Lễ hội Cầu ngư Vạn Thuỷ Tú và Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn.
Chín di tích cấp tỉnh ở Phan Thiết gồm: Đình Ông Cô, Vạn Thạch Long, đình làng Khánh Thiện, Thanh Minh Tự và miếu Ngũ hành, đình vạn Hưng Long, Tháp nước Phan Thiết, chùa Bà Đức Sanh, đồi cát bay Mũi Né, thắng cảnh Suối Tiên.
Tượng thần Chăm
Giếng nước trước sân đình làng Đức Nghĩa
Trãi qua bao thăng trầm lịch sử, biến thiên của thời cuộc, các di tích ngỡ sẽ xuống cấp, mất mát. Song cùng với ý thức giữ gìn của nhân dân, sự quan tâm, kịp thời nắm bắt tình hình của các cấp, ngành, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích được thực hiện liên tục, giúp cho các di sản, di tích được giữ gìn tốt, có những di tích gần như còn nguyên vẹn. Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách tỉnh đã bố trí trùng tu, tôn tạo cho 10 di tích, trong đó có 4 di tích cấp tỉnh và 7 di tích cấp quốc gia. Trong giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh tiếp tục bố trí trùng tu, tôn tạo 6 di tích cấp tỉnh. Mặt khác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo thêm 3 di tích cấp quốc gia khác của tỉnh và thành phố Phan Thiết.
Nhìn chung trong nhiều năm qua, công tác quản lý di sản vật thể và phi vật thể nói chung và các di tích, lễ hội đã được xếp hạng nói riêng trên địa bàn thành phố Phan Thiết được thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Quyết định 56 năm 2015 của UBND tỉnh Bình Thuận: Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Có sự phân cấp quản lý chặt chẽ giữa Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch với UBND thành phố Phan Thiết, Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND xã, phường và Ban Quản lý di tích. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức nhiều đợt kiểm tra trực tiếp tại các di tích, lễ hội để nắm bắt tình hình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị tại cơ sở, do đó những vi phạm trong công tác quản lý di tích và lễ hội được phát hiện và xử lý kịp thời.
(Hình ảnh cụ cao niên người Chăm vui vẻ chụp ảnh cùng các cháu bé)
Thực hiện Nghị định số 110/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; nhìn chung, các lễ hội diễn ra trên địa bàn thành phố trong những năm qua đều chấp hành tốt các quy định, pháp luật của Nhà nước trong quá trình tổ chức và quản lý lễ hội. Các lễ hội diễn ra đúng kế hoạch, nội dung và nghi thức dân gian theo tập tục truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương. Đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, lành mạnh, vui tươi và phấn khởi, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân; không xảy ra các tệ nạn, hủ tục như: mê tín dị đoan, trục lợi, bói toán…
Đặc biệt trong giai đoạn 2019 -2021, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Bình Thuận; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Hướng dẫn du khách tham quan, chiêm bái, thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong phòng chống dịch.
(Các bạn trẻ tham quan tháp Chăm Po Sah Inư)
Trãi khắp vùng đất Bình Thuận có hơn 300 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh được đưa vào nghiên cứu, bảo vệ. Trong đó, có 2 di sản Văn hóa phi vật thể, 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 44 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Năm 2023, Bình Thuận được Bộ Văn hoá – Thể thao Du lịch chọn là địa phương đăng cai Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Thêm một lần nữa khẳng định, những di sản, di tích lịch sử văn hoá toàn tỉnh nói chung, ở Thành phố Phan Thiết nói riêng – không chỉ là “chứng nhân” nhắc nhớ thế hệ sau về lịch sử của địa phương, giáo dục con cháu biết trân trọng và phát huy những giá trị cao đẹp mà cha ông đã gầy dựng, giữ gìn. Trong cuộc sống hối hả và nhiều đổi thay, giữa những ồn ào, đổi mới liên tục của phố thị, di sản, di tích không chỉ lặng im tồn tại mà bằng cách rất riêng vẫn luôn đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của phố biển xanh tươi.
Bài và ảnh Thuỳ Tiên