NGÀY XUÂN ĐẾN CHỐN NON THIÊNG
Trong những ngày xuân, ngoài việc quây quần bên gia đình, gửi nhau những lời chúc, những tình cảm yêu thương, không ít người chọn đi chơi xa vừa để thăm thú cảnh đẹp, vừa gắn kết tình thân. Nếu như có thể vừa du xuân, vừa được rèn luyện sức khỏe mà lại kết hợp để cầu mong bình an, tài lộc cho bản thân và người mình thương yêu thì còn gì tuyệt vời hơn. Bình Thuận có một điểm đến du lịch tâm linh rất ấn tượng, là nơi có thể thực hiện những điều ý nghĩa trên. Đó chính là chùa núi Tà Cú ở huyện Hàm Thuận Nam.
Núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam là một điểm đến nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Với cảnh sắc tươi đẹp, thiên nhiên hoang dã, khí hậu trong lành. Thời tiết ở khu vực Chùa Núi Tà Cú hầu như quanh năm mát mẻ, gió nhẹ, không khí dịu nhẹ với cây xanh, tiếng chim ca, tiếng thú rừng vang vọng. Ta có thể đi cáp treo từ chân núi đến khu vực Chùa, mất khoảng 15 phút. Còn nếu muốn rèn luyện sức khỏe, thử sức bền, độ dẻo dai thì hãy vượt qua 2.300 mét đường núi. Có những đoạn dốc thẳng đứng, có những khúc ngoặc đột ngột nhưng đồng thời cũng có khu vực khá bằng phẳng với chiếu nghỉ chân là những khối đá to rợp bóng cây và tiếng chim ca. Để rồi khi lên được đến khu vực tượng Phật Thích ca mô ni nhập niết bàn dài 49m – lập kỉ lục lớn nhất châu Á, cũng như đứng trước bộ ba bức tượng Phật Di Đà (cao 7m), Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (cao 6,5m) thì cảnh nhân gian hiện ra trước mắt thật bình yên, tịnh độ như chốn thiêng bồng.
Năm mới Quý Mão 2023, khu du lịch sinh thái núi Tà Cú có nhiều điểm mới, hấp dẫn, mang lại cho du khách nhiều sự lựa chọn thú vị. Hàng loạt các tiểu cảnh như Bàn cờ tướng, Đà Lạt thu nhỏ với vườn hoa hướng dương, hoa ngũ sắc, cây tình duyên, cầu uyên ương. Hay vườn hồng hạc, chuỗi tượng 12 con giáp cùng các khu vui chơi dành cho thiếu nhi và gia đình. Tất cả tạo nên một không gian yêu bình, rực rỡ sắc màu mà hẳn nhiên ai đã từng đến cũng sẽ không thể nào quên nét hiện đại hòa cùng chút cổ kính nơi núi non hùng vĩ.
Linh Sơn Trường Thọ tự sau hơn một thập kỉ sửa sang, nâng cấp nay đã hoàn thành. Các tòa tháp, các gian nhà, gian chánh điện rộng lớn có kiến trúc đặc trưng của chùa chiền với rồng phượng trên mái cong, các bao lam chạm trỗ tinh xảo. Hầu hết các khối nhà, các bức tượng Phật đều được xây dựng, chạm trỗ bằng gỗ và đá tại khu vực núi Tà Cú, tạo nên nét độc đáo cho công trình này. Không chỉ nhân dân trong vùng, trong tỉnh biết đến Chùa Núi Tà cú. Tiếng lành về ngôi chùa linh thiêng còn lan truyền khắp nơi, thu hút đông đảo khách thập phương và du khách nước ngoài đến tham quan, chiêm bái.
Đến với núi Tà Cú dịp Tết nguyên đán, người dân và du khách không chỉ hân hoan đón nhận ánh sáng tươi lành của mùa xuân. Được đắm mình vào trời mây nơi chốn non thiên, thì thầm khẩn cầu bao điều mong ước. Đặc biệt, hơn mấy mươi năm nay, cứ vào ngày mùng 7 Tết, du khách lại náo nức reo hò, hoan hỉ cổ vũ cho các vận động viên hòa mình vào Hội thi Leo núi Tà Cú truyền thống.
Sau 2 năm tạm gián đoạn vì dịch bệnh covid-19, các vận động viên lại háo hức tham gia Hội thi lần thứ 25 năm Quý Mão 2023. Hội thi năm nay thêm ý nghĩa khi gắn với kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 – 1/6/2023) và hưởng ứng các hoạt động chào mừng Năm du lịch Quốc gia 2023 – Bình Thuận – Hội tụ xanh.
340 vận động viên đến từ 42 đoàn của các huyện thị, thành phố trong tỉnh Bình Thuận, cùng các vận động viên của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Tp Hồ Chí Minh. Các vận động viên tranh tài theo hệ phong trào, hệ tuyển tỉnh và hệ mở rộng các tỉnh thành. Lộ trình thi đấu vẫn như mọi năm khi họ phải vượt qua hai chặng đua là việt dã (4.000 m đường trường dành cho nam, 3.000m dành cho nữ) và leo núi 2.300m cho cả nam và nữ.
Địa hình phức tạp, hiểm trở của núi Tà cú với những đoạn dốc đứng 40 – 65 độ, hay khúc cua ngoặc đã trở thành “huyền thoại” với những vận động viên leo núi. Dẫu là lần đầu hay đã nhiều lần dự thi, các đoạn dốc, cua của nơi này luôn là thử thách cam go khiến cho các VĐV phải tốn rất nhiều sức lực
Tuy mồ hôi ướt đẫm, tuy có những cú vấp ngã, những pha trượt chân. Nhưng tất cả các VĐV đều không bỏ cuộc, ai cũng hoàn thành phần thi trong niềm vui, phấn khởi. Bởi lẽ họ không chỉ được tranh tài, thử sức dẻo dai mà còn được hòa mình khám phá núi rừng xanh thẳm.
Sau hơn một giờ đua tài sôi nổi các vận động viên lần lượt về đích an toàn. Bằng kỹ, chiến thuật hợp lý trên suốt chặng đua, VĐV Phạm Ngọc Phan (Bình Thuận) và VĐV Khuất Phương Anh (Đồng Nai) đã xuất sắc về nhất nội dung nam, nữ hệ mở rộng, giành danh hiệu Vua leo núi và Nữ hoàng leo núi Tà Cú mừng xuân Quý Mão 2023. Phan Văn Thâu (Hàm Thuận Bắc) giành giải nhất hệ tuyển tỉnh nam và Vương Thị Hiền (Hàm Thuận Nam) giải nhất tuyển tỉnh nữ.
Với hệ phong trào, Phạm Thanh Bình (xã Mương Mán) giành giải nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải toàn đoàn cho hệ mở rộng, hệ tuyển tỉnh và hệ phong trào cho các đơn vị trên địa bàn huyện Nam Thuận Nam.
Hội thi leo núi Tà Cú không chỉ là hoạt động thể thao truyền thống của huyện Hàm Thuận Nam. Đây còn là giải đấu cấp tỉnh, mở rộng ra khu vực và dần được nâng tầm với quy mô và số lượng VĐV tham gia ngày một đông. Hội thi cũng góp phần rất lớn trong việc quảng bá du lịch Huyện Hàm Thuận Nam nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung đến với du khách khắp nơi.
Trong những ngày xuân, sau những phút giây nghỉ ngơi, ăn uống, thư giản, gặp gỡ người thân, bạn bè. Sẽ thật thú vị khi ta cùng với những người yêu thương vượt lên núi rừng, đến với chốn non ngàn để hân hoan thưởng ngoạn cảnh đẹp. Để cảm nhận chút se lạnh của miền cao. Để nghe trong gió tiếng chim kêu, vượn hót nơi khu bảo tồn thiên niên quốc gia. Để khẩn cầu bình an cho gia đình, cho nhân thế. Và để ghi lại bao khoảnh khắc đẹp ở một điểm đến nổi tiếng không chỉ của tỉnh nhà, của đất nước mà đã vươn tầm khu vực – Núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam.
Bài và ảnh Thuỳ Tiên