SA LÔN NGÀY TRỞ LẠI
Chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023), tỉnh Bình Thuận long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích Căn cứ Tỉnh uỷ Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, tại vùng rừng núi Sa lôn thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Đến dự Lễ khánh thành và tham quan khu di tích có các đồng chí Nguyên là lãnh đạo Đảng bộ, nguyên lãnh đạo tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đại diện các sở, ban, ngành cùng đoàn cựu chiến binh và cán bộ, nhân dân địa phương.
Được khởi công vào đầu năm 2021, dự án “Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ” sau hơn hai năm xây dựng, đã hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt trong dịp kỉ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022) và chào mừng các ngày lễ, sự kiện lớn của tỉnh trong năm 2023.
Rừng núi Sa lôn trải rộng khoảng 15 km2, phía Đông giáp với xã Hàm Phú, phía Tây giáp xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), phía Nam giáp xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) và phía Bắc giáp với xã Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Nơi đây có địa hình phức tạp, được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh dày đặc, kéo dài.
Với tổng mức đầu tư 127 tỷ đồng. Dự án bao gồm công trình Khu di tích gốc (các hạng mục dân dụng như hầm, chòi nghỉ chân, hội trường, bếp Hoàng Cầm, hệ thống mương thoát nước…); Công trình phụ trợ, các công trình kết nối (hệ thống giao thông nội bộ và đường nối từ UBND xã Đông Giang vào khu dích), v.v… Khu di tích căn cứ Sa lôn có 277 hiện vật gốc là các vật dụng trong đời sống và dụng cụ chiến đấu được các cựu chiến binh trao tặng; Tỉnh Bình Thuận cũng sưu tầm và tìm mua được 219 hiện vật gốc để trưng bày trong Nhà lưu niệm.
Ông Dương Văn An – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận cho biết: “Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ” là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, mang nhiều ý nghĩa, được các thế hệ lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm. Việc phục dựng lại căn cứ Sa lôn còn hình thành nên địa điểm để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau biết được những hy sinh của cha ông; đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử và hướng đến là khu du lịch sinh thái góp phần phát triển địa phương.”
Khu vực Sa lôn là nơi cư trú lâu đời của người K’Ho. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào K’Ho chung tay bảo vệ buôn làng; góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm, nhân lực, bảo đảm an toàn cho hoạt động của căn cứ cách mạng. Các già làng K’Ho giải thích: Sa Lôn nghĩa là “dòng nước Mẹ”, “dòng suối uốn lượn như rồng…”. Theo phiên âm chữ Quốc ngữ đọc là Sa lôn, còn người Pháp phiên âm sang chữ La – tinh là Saloun.
Hình thành từ cuối năm 1954, Sa lôn trở thành nơi đứng chân của cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận đến năm 1969. Tại đây, đơn vị 2/9 là lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Bình Thuận được thành lập; Sa lôn cũng là nơi thành lập một số cơ quan, đơn vị, ban khác như: Ban An ninh (tháng 7/1962), Ban Hậu cần (tháng 2/1962); Ban Quân sự tỉnh (tháng 3/1961); Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (tháng 8/1961); Trường Đảng Trần Phú; Nhà in Giải phóng Bình Thuận (1962); Bệnh xá X1 (tháng 2/1962); Một số cơ quan đứng chân, hoạt động thời gian dài như: Ban Thông tin, Ban Kinh tài, xưởng dệt, xưởng Quân giới Cao Thắng (tháng 9/1961); Bộ phận trung chuyển – trạm F5 (cuối 1961); …
Căn cứ Sa lôn đã ghi lại nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng như: Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (tháng 10/1962); Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ I (1962) và lần II (1964); Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Bình Thuận lần thứ I (tháng 9/1964); Hội nghị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 7/1970)…Đặc biệt, ngày 09/9/1969, tại đây đã tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với bức ảnh chân dung Người bằng lụa, bọc trong khung, đặt trên bàn thờ bằng cây lồ ô còn được lưu giữ đến nay.
Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã vượt khó khăn, gian khổ, đứng chân vững chắc để lãnh đạo, chỉ đạo quân, dân thực hiện các phong trào kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tô thắm thêm trang sử hào hùng, oanh liệt của lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước do Đảng lãnh đạo. Có mặt trong buổi lễ, nhiều Cựu chiến binh không khỏi bồi hồi, xúc động khi quay trở lại căn cứ kháng chiến xưa, nơi chứa biết bao kỉ niệm khó quên của những ngày thanh xuân cống hiến cho tổ quốc.
Những câu chuyện của những ngày gian khó, những kỉ niệm không bao giờ phai chợt ùa về. Kí ức, chợt sống lại, thật rõ như thuở mười tám đôi mươi cống hiến tuổi xuân cho quê hương đất nước. Bà Nguyễn Thị Xuân – Bộ phận quản trị hành chính kiêm “Chị nuôi” của đơn vị bồi hồi nhớ về những ngày băng rừng lội suối. Bên bức ảnh mình cùng các đồng đội thời thanh xuân ở Sa lôn, bà chừng như khựng lại, nghẹn ngào nhìn những gương mặt thân thương giờ đã không còn; hạnh phúc cười thật tươi khi gặp lại đồng đội cũ. Cả hai vui vẻ trò chuyện, chụp ảnh trước bức hình của mình khi “Cấy lúa tăng gia sản xuất” ngày xưa.
Cựu chiến binh Ung Văn Chính – Uỷ viên Ban liên lạc Văn phòng tỉnh uỷ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cũng hạnh phúc khôn nguôi khi quay trở lại căn cứ xưa: “Hiện là cán bộ hưu trí, sinh sống tại Phan Rang – Tháp Chàm, tôi không ngờ là có ngày mình được quay lại căn cứ kháng chiến xưa. Sau hơn 50 năm về lại Sa lôn, tôi thật sự rất xúc động khi khu căn cứ được tôn tạo, xây dựng khang trang. Tôi rất mừng!”
Với cựu chiến binh Lê Ngọc Liên – nguyên là bảo vệ khu căn cứ tỉnh uỷ qua các thời kì. Chậm rãi chia sẽ về những năm tháng hoạt động cách mạng từ 1961 đến 1961 ở Căn cứ Sa lôn rồi về Bắc Bình, Bình Tuy (cũ) sau quay lại hoạt động tiếp tục ở Sa lôn. Kí ức những ngày bom đạn không thể nào quên cùng những chuyến đi bảo vệ trọng điểm, bảo vệ cán bộ chủ chốt – khiến ông rưng rung. Ông Liên tự hào khi khu căn cứ ngày xưa chỉ có núi rừng, bờ bụi, nay nhà cửa đàng hoàng, khu căn cứ được xây dựng khang trang, ông thấy tự hào và mong rằng tuổi trẻ sau này trưởng thành sẽ kế tục sự nghiệp của cha ông để đất nước phát triển đi lên.
Tháng 12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt và công nhận “Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ” là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Việc phục dựng, tôn tạo, gìn giữ Khu dích tích này là chủ trương hàng đầu của Tỉnh uỷ trong suốt nhiều năm qua. Không chỉ phát huy giá trị di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau. Khu di tích Sa lôn được xây dựng hoàn thiện sẽ là điểm du lịch, hành trình về nguồn, tham quan, nghiên cứu của lớp cán bộ, đảng viên, học sinh sinh viên và nhân dân.
Trời mùa xuân tươi mát, gió reo vui trên những cánh rừng bạc ngàn, từng con suối róc rách hoan ca như chào đón các chiến sĩ cách mạng ngày nao trở về thăm lại chiến khu xưa. Bao kí ức của một thời oanh liệt sống dậy, bao mến yêu, bao vui sướng khi tuổi xuân được cống hiến cho đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc.
Tự hào Sa lôn – ngày trở lại!
Bài và ảnh Thuỳ Tiên