BẢNG LẢNG GIÓ GIÊNG
Thị xã La Gi có nhiều văn nghệ sĩ sáng tác rất đều tay ở các thể loại thơ, ca, nhiếp ảnh. Và nhắc đến giới văn nghệ sĩ ở La Gi, người yêu nghệ thuật nghĩ ngay đến nhà thơ Phan Chính. Ông nổi tiếng với giọng thơ nhẹ nhàng, sâu sắc mà chứa đựng sự thông tuệ của một con người dành tình cảm gắn bó máu thịt với vùng đất Lagi. Nhân dịp tết Nguyên Tiêu – đầu xuân mới Quý Mão 2023, hãy cùng đọc tập thơ Bảng lảng gió Giêng của ông.
Phan Chính không chỉ là một nhà thơ, một nghệ sĩ,. Ông còn bỏ không ít thời gian và công sức để tìm hiểu về vùng đất La Gi – nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó trọn đời. Vậy nên, thông qua thơ ông, dù là người biết rất rõ hay chưa một lần đặt chân đến vùng đất này, thì ta vẫn thấy rõ một La Gi tươi đẹp ra sao, ấn tượng thế nào. Và trong Bảng lảng gió Giêng, điều ấy lại hiện lên rất nét, rất riêng…
La Gi nổi tiếng với biển hoang sơ, những bãi cát mềm yên vắng dập dìu thúng thuyền đầy cá tôm nhưng cũng lãng mạn vô cùng mỗi khi trăng lên hay lúc mặt trời vừa ló dạng… Và trong Bảng lảng gió Giêng, biển nhiều lần cùng nhà thơ làm nao lòng người với muôn vàn sóng vỗ..
“Màu chiều biển trốn vào cơn bấc thổi
Tôi nhận ra chiếc lá vừa rơi…”
(Trích Đêm cuối năm – trang 32).
Hay “Mãi một đời người, biển còn là biển
Lặng lẽ cùng đảo nhỏ tuổi ngàn năm
Sóng vô nhiên mà chập chùng huyễn mộng
Tôi bồi hồi hôn lên đất nắng mưa…” (Trích Chừa giùm chút nhớ – trang 46.)
Trong tập thơ này, Phan Chính cũng đôi ba lần đưa người đọc đến với các vùng đất lãng du khác, nơi mà ông đã từng qua. Như đến Đà Lạt, ngồi café sáng ở phố chợ Hoà Bình, quẩy gùi xuống núi ghé Langbiang; một chút phố nhỏ Phan Thiết với bóng người thương dạo bước trên cầu bắt ngang dòng Mường giang xuôi chảy… Hay là chút nhớ thương xa gần quê nhà La Gi khi ngồi trước biển ở Nha Trang,.. Rồi nhiều lần chạnh lòng khi lưu lại xứ miệt vườn miền Tây xa vợi con sóng biển xanh…
Bảng lảng gió Giêng cũng chứa đựng bao suy tư của một người đã qua bên kia sườn dốc của cuộc đời, lắm lần lặng lẽ thở dài mình ta. Chẳng phải xót, chẳng phải xa cho phận mình. Là nhớ, là nhung những ngọt ngào đã trãi. Đã bao lần uống rượu một mình đếm tuổi tôi để đợi kiếp đời mình, hay đời của đá chẳng phôi phai…
Tập thơ khép lại với những nôn nao đợi chờ mùa mới đang tràn về: Sương mùa đông bóng khói – trôi mờ mịt cõi xưa – em có nghe cơn bấc – là nắng tết ngoài kia?” (Trích “Lắng chờ bấc đến” – trang 84.)
Từ tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1993 – Giọt sương, đến “Giữa truông đời” năm 1997 và sau đó là “Biển trắng như lòng ta thức đợi” xuất bản năm 2006. Ngót 10 năm Phan Chính mới lại giới thiệu đến độc giả một tập thơ nữa.. “Bảng lảng gió Giêng” xuất bản năm 2016 với hơn 60 bài thơ được sáng tác trãi dài trong nhiều năm từ 2009 đến 2015. Nay có dịp, nhân Ngày thơ Việt Nam 2023, cùng bạn đọc lần giở những kỉ niệm, để xao xuyến chia xa chút lạnh, chút buồn vui năm cũ, để hân hoan đón năm mới về cùng bao nhiêu xúc cảm. Hy vọng rằng chút gió giêng bảng lảng sẽ nâng bước 365 ngày mới tràn ngập trong hạnh phúc, thành công và thăng hoa cảm xúc!
Thùy Tiên