TRUNG TÂM VĂN HOÁ BÌNH THUẬN TỔ CHỨC HỌP MẶT KỶ NIỆM NGÀY ĐIỆN ẢNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Ngày 15-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Từ đó ngày 15/3 hàng năm được chọn là ngày Truyền thống của ngành nhiếp ảnh – Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Hòa chung niềm vui của những người làm nhiếp ảnh, điện ảnh cả nước, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm ngày ý nghĩa này.
Buổi họp mặt có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Giám đốc cùng toàn thể viên chức, người lao động Trung tâm Văn hoá tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt còn có sự tham dự của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Thuận; các đồng chí là lãnh đạo Chi nhánh, Trưởng các phòng chuyên môn, Đội, Rạp của Cty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã nghỉ hưu.
Tại buổi họp mặt, ông Trương Quang Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh đại diện Ban Tổ chức ôn lại truyền thống của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và điện ảnh Bình Thuận từ những ngày đầu thành lập đến nay.
Loại hình triển lãm, nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng ra đời trên quê hương Bình thuận gắn liền với hoạt động của Đoàn Sao Vàng với sự giúp đỡ tận tình của Điện ảnh Nam – trở thành một hoạt động nghệ thuật tổng hợp trong cuối thập kỷ 40 của thế kỷ 20.
Trãi qua nhiều thăng trầm của lịch sử,từ những ngày gian khó mới thành lập với nhiều lần chuyển đổi, sát nhập, chia tách, điện ảnh Bình Thuận vẫn nỗ lực cống hiến và đạt được nhiều thành tích nổi bậc: Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011. Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014. Được Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị TW 3 của Trung ương tặng giải B về quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều viên chức, người lao động được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh, Kỷ niệm chương của một số Bộ, ngành Trung ương.
Điện ảnh tỉnh nhà cũng đã gửi tặng nhà trưng bày Khu di tích Căn cứ cách mạng tỉnh uỷ Salon bộ máy chiếu phim nhựa 16 ly hiệu ETM quý giá. Các cá nhân từng công tác trong ngành điện ảnh tỉnh cũng gửi tặng những máy chụp ảnh, kỉ vật ngày còn công tác.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã có những phút giây chia sẽ kỷ niệm những thăng trầm của năm tháng lịch sử vừa đấu tranh chống giặc, vất vã chống thiên tai bảo vệ tư liệu quý giá của ngành điện ảnh cách mạng tỉnh nhà.
Ông Trần Hồng Kế, nguyên Giám đốc Công ty Điện ảnh Bình Thuận dù đã nghỉ hưu hơn 20 năm vẫn nhớ rõ từng kỉ niệm ngày còn công tác. Những ngày nếm mật nằm gai, băng rừng lội suối vào khu kháng chiến Salon phục vụ chiếu phim chính trị – chợt sống lại đầy sắc nét.
Ông Trương Minh Tùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Thuận bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương và đồng nghiệp ra Bắc vào Nam, đi khắp các huyện thị của Bình Thuận để chiếu phim cách mạng, xây dựng hệ thống rạp phim phục vụ nhân dân.
Bao nhiêu năm xa cách nay được gặp lại, những đồng nghiệp xưa rạng rỡ cười, tay bắt mặt mừng, bồi hồi xúc động. Sự nhiệt tình, tâm huyết của những người làm trong ngành điện ảnh đã thúc đẩy phong trào điện ảnh thêm sôi nổi, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến quần chúng. Từ đó góp phần đưa Nnhệ thuật nhiếp ảnh – điện ảnh gần gũi hơn với các tầng lớp nhân dân, đi sâu và trở thành niềm yêu thích, niềm vui chung cho tất cả mọi người.
Trãi qua 70 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Thuận nói riêng đã phát triển vượt bậc, mang về nhiều kết quả cao ở các giải thưởng quốc tế; nỗ lực sáng tác, cống hiến những tác phẩm có giá trị, còn mãi với thời gian. Qua đó có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh Thuỳ Tiên