SẮC MÀU CHĂM BÌNH THUẬN TẠI NGÀY HỘI VĂN HOÁ CÁC DÂN TỘC MIỀN TRUNG LẦN THỨ IV, NĂM 2023
11 đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh miền Trung cùng hội tụ với nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc Gia-rai, Chăm, Ê-đê, Xtiêng, Hê rê, Bru Vân Kiều, Cơ-tu, v.vv.. Ai cũng muốn giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh mình đến với Nhân dân cả nước trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 tại tỉnh Bình Định. Và nét văn hoá Chăm Bình Thuận với chương trình nghệ thuật quần chúng, trình diễn nghi thức Lễ hội cầu mưa cũng như giới thiệu món bánh gừng, gốm, dệt thổ cẩm truyền thống đã ghi dấu ấn đặc biệt tại Ngày hội lần này.
Đến với Ngày hội, chương trình nghệ thuật có chủ đề “Lung linh sắc màu Chăm Bình Thuận” thật sự sáng bừng sân khấu và đạt nhiều thành tích. Tiết mục Hoà tấu nhạc cụ dân tộc Âm vang ngày hội do Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình dàn dựng với phần trình diễn của NNƯT Thổ Đồng cùng dàn nhạc dân tộc và nhóm múa minh họa đã xuất sắc giành giải A.
Điệu múa nhịp nhàng sinh động, thể hiện niềm vui trưởng thành, chính thức nhập đạo của thiếu niên người Chăm “Niềm vui Ngày trưởng thành” và tiết mục hát múa “Tiếng trống hội Ka tê” cùng đạt giải B. Tốp ca nam Hò ra khơi (sáng tác NSƯT, Nhạc sĩ Amư Nhân) – thể hiện tình yêu biển đảo, yêu nghề yêu đời của thanh niên Chăm góp thêm thành tích cho đoàn với giải C. Phần trình diễn trang phục truyền thống: trang phục lao động, lễ Tảo mộ Lễ hội Ra mư wan, trang phục cưới của người Chăm Bà Ni đạt giải B cũng vô cùng xứng đáng trong tràng pháo tay của khán giả.
Chưa hết, nét độc đáo, ý nghĩa của Lễ hội cầu mưa đầu năm của người Chăm Bình Thuận với các nghi thức múa trong hệ thống Lễ múa Rija Nưgar cũng xuất sắc đạt giải A – ghi dấu ấn khi thầy Ka-ing nhảy lên đạp tắt lửa trong tiếng reo hò của khán giả và cả Ban giám khảo.
Không gian trưng bày của Bình Thuận tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn trong suốt 3 ngày diễn ra Ngày hội văn hoá các dân tộc miền Trung năm 2023 luôn có đông du khách đến tham quan cả ngày và đêm. Họ không chỉ ấn tượng với hình ảnh các nghi lễ, các toà tháp Posah Inư, Po Dam hay các lễ hội trên tháp cổ, các trang phục truyền thống của người Chăm Bình Thuận, đôn đựng lễ vật, khay trầu cau, chén đồng, trống baranưng, chiêng, lục lạc. Mà còn bởi phần trưng bày, trình diễn trực tiếp các nghề thủ công truyền thống.
Phía trước gian trưng bày, góc bên phải các cô chú tỉ mỉ tự tay nặn từng chiếc bánh gừng, mùi thơm thoảng lên ngọt ngào; Góc bên trái nghệ nhân lặng lẽ đi quanh khối đất sét ẩm, từ tốn, từ tốn tạo nên những chiếc bình gốm mịn màn, đẹp mắt. Giữa gian trưng ngày, nghệ nhân Mã Thị Thuận cười hiền từ, khoan thai dệt thổ cảm trước ánh nhìn thán phục lẫn thích thú của người xem. Những hình ảnh vô cùng sinh động này đã góp thêm 2 giải C cho thành tích chung của đoàn Bình Thuận.
Trong suốt chiều dài lịch sử, với đức tính thông minh và cần cù, người Chăm đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa; một trong những giá trị nổi bật nhất là nghệ thuật Ca – Múa – Nhạc dân gian truyền thống. Cùng với đó là sự khéo léo thể hiện qua từng bộ trang phục, khăn lang, đồ gốm thủ công được dệt, đuọc tạo tác nên từ chính những đôi bàn tay chăm. Những giá trị nghệ thuật đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam đa sắc màu.
Với nhiều tâm huyết kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của người Chăm. Toàn thể nghệ nhân, diễn viên đã tích cực tập luyện, thi diễn, trình diễn đầy tự tin mà thân thiện, chân thật, đóng góp cho sự thành công chung của đoàn Bình Thuận tại Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023.
Bài và ảnh Thuỳ Tiên – Trung tâm Văn hoá tỉnh