HỌP ĐOÀN CHUẨN BỊ CHO NGÀY HỘI VĂN HÓA CHĂM LẦN THỨ VI NĂM 2024
Ngày hội Văn hóa Chăm là hoạt động thường niên – hai năm diễn ra một lần do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống tổ chức. Đây được xem là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa để bà con dân tộc Chăm cả nước giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình. Để chuẩn bị cho ngày hội chung diễn ra vào cuối năm 2024, Đoàn Nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tỉnh Bình Thuận đã có các buổi họp đoàn, thảo luận để sẵn sàng tham gia hoạt động.
Ngày hội Văn hóa Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước”, với sự tham gia của 9 đoàn: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Tp Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh
Căn cứ Kế hoạch số 2576/KH-BVHTTDL ngày 19/6/2024 của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Kế hoạch 2041/KH-SVHTTDL Bình Thuận về việc Tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Bình Thuận giao Trung tâm Văn hóa tỉnh chịu trách nhiệm chính thực hiện hoạt động Ngày hội.
Theo đó, các bộ phận chuyên trách của Trung tâm Văn hóa tỉnh đã nhanh chóng lên kế hoạch, liên hệ các Sở Ngành, Trung tâm, đơn vị liên quan, đạo diễn, nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh để lên tổng thể chương trình, chọn bài, phối nhạc, dựng cảnh; Đặc biệt là kết nối với các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người Chăm để thực hiện tốt chương trình. Sau thời gian ngắn, đoàn tham dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI cơ bản đã được thành lập với lực lượng gần 80 người.
Vào trung tuần tháng chín, nhằm chuẩn bị tốt cho Ngày hội, đại diện Trung tâm Văn hóa tỉnh đã có buổi họp đoàn tại huyện Hàm Thuận Bắc.
Huyện Hàm Thuận Bắc có hơn 50 diễn viên, vận động viên, biên đạo tham gia thi diễn Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Chăm cùng Hoạt động thể thao quần chúng. Lực lượng cộng tác viên của huyện chủ yếu là học sinh tại trường THPT Hàm Thuận Bắc, thanh niên làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và huyện. Do đó khó khăn chung chính là việc sắp xếp lịch tập và thi diễn đảm bảo thời gian học tập và công tác cho các cộng tác viên.
Tại buổi họp đoàn, các vận động viên, diễn viên đã chia sẽ tâm tư, nêu ý kiến nhằm đảm bảo sự phối hợp tập luyện, lên lịch tập chung sao cho không ảnh hưởng đến giờ làm, ngày học.
Ông Nguyễn Tú Long – giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Đoàn Bình Thuận tham dự ngày hội lần này với lực lượng rất đông, dự thi tất cả các nội dung. Do đó gây không ít khó khăn cho công tác tổ chức. Ngoài ra, lực lượng tham dự Ngày hội lần này được tuyển chọn ở hai địa phương khác nhau là Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, vì thế chúng tôi phải cố gắng hết sức để đảm bảo công tác tổ chức khoa học, tiết kiệm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nhằm đảm bảo điều kiện tập luyện, ăn, ở cho các cộng tác viên.”
Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh tiếp tục có buổi làm việc cùng các nghệ nhân, vận động viên, diễn viên của huyện Bắc Bình. Đơn vị sẽ đại diện đồng bào Chăm Bình Thuận tham dự phần thi Trình diễn Nghi thức Lễ tấu chức Sư cả Kadhar. Đồng bào vui mừng vì được tham dự ngày hội lớn, ai cũng háo hức tập luyện để trình diễn.
Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình – đạo diễn trình diễn nghi thức cho hay: “Nghi thức Lễ tấu chức Sư cả Kadhar là lễ nghi rất quan trọng, là một nghi thức lễ tục bắt buột theo trình tự đẳng cấp trong hệ phái nhằm đủ điều kiện phẩm trật để điều hành lễ nghi tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, phục vụ đáp ứng nhu cầu về đời sống sinh hoạt tinh thần cho tín đồ của từng tộc theo quy định về phong tục tập quán nhằm giải quyết thoả mãn về tín ngưỡng tâm linh. Trước đây chưa từng được trình diễn theo hình thức sân khấu hóa hay tái hiện trên sân khấu. Do đó, tôi và các chức sắc, nghệ nhân, điễn viên Chăm đặt rất nhiều tâm huyết để trình diễn nghi thức đặc biệt.”
Ngày hội Văn hóa Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận có nhiều nội dung như: trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm,nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Hoạt động du lịch với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch”; Trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Chăm cùng Hoạt động thể thao quần chúng.
Đoàn Bình Thuận tham gia tất cả các nội dung của Ngày hội. Đặc biệt chương trình thi diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống, trình diễn nghi thức được đầu tư, dàn dựng công phu hứa hẹn giới thiệu nét đặc trưng của văn hóa Chăm Bình Thuận đến đồng bào cả nước.
Bài và ảnh Thùy Tiên