VUI HỘI KATÊ TRÊN THÁP CỔ
Cụm đền tháp Chăm Pô sah Inư – phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết thường ngày trầm mặc giữa mênh mông biển trời, đồi núi. Sáng nay rộn ràng tiếng cười nói, tiếng hát, tiếng trống, tiếng kèn. Bà con Chăm từ khắp các huyện, xã của tỉnh Bình Thuận đã cùng hội tụ dưới chân tháp cổ. Từ Tuy Phong, Bắc Bình, đến Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, từ Tánh Linh, Hàm Tân, ai ai cũng náo nức váy áo chỉnh tề, đầy sắc màu để vui mùa lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào mình: Lễ hội Ka tê!
Từ ngày 1 tháng 7 Chăm lịch (nhằm ngày 1 đến ngày 2 tháng 10 năm 2024), lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận diễn ra tại Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Sah Inư, thuộc khu phố 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết. Nơi tháp cổ, mỗi người một việc chuẩn bị cho ngày vui. Đàn ông lo cúng lễ trong tháp, đàn bà lo hậu cần cơm nước. Các chức sắc ngồi đàm đạo. Các chàng trai luyện lại nhịp kèn, tay trống cho phần nghi thức lễ. Các cô gái chỉnh trang váy áo sẵn sàng cho điệu múa quạt trong Nghi thức thỉnh Y trang nữ thần Pô Sah Inư về tháp chính.
Ở một góc nhỏ, phụ nữ lớn tuổi tỉ mỉ nắn từng chiếc bánh gừng, vo từng viên bột làm bánh ít để bày mâm cúng; người nhóm bếp, người sắp trái cây trang trí thông la. Giữa sân, trẻ con tung tăng nhảy mừng trong tiếng nhạc vang vang, vui vẻ cùng cha mẹ lên tháp. Từ sáng đến chiều ngôi tháp cổ rộn ràng, náo nhiệt, sáng bừng trong nắng tươi.
Trong ngày đầu tiên của Tết Katê, đồng bào Chăm còn thi trang trí thông la, thi diễn văn nghệ, làm bánh gừng truyền thống vô cùng vui tươi.
Không chỉ người Chăm theo đạo Bà la môn mừng vui đón Tết Ka tê. Mà từ nhiều năm nay, Ka tê là ngày tết chung của đồng bào Chăm, của cả người dân tỉnh Bình Thuận nói riêng cả nước nói chung cùng du khách quốc tế. Ai cũng háo hức được đến tháp cổ hòa vào dòng người nghinh thỉnh đấng tối cao.
Sau một ngày vui hội và chuẩn bị những thứ cần thiết cũng như thực hiện các nghi thức cúng cầu an. Sáng 2/10/2024, tất cả mọi người cùng tập trung trước sân khấu cho nghi thức Khai mạc Lễ hội Ka tê.
Năm 2024 là lần thứ 20, Lễ hội Katê được phục dựng và duy trì tổ chức tại di tích tháp Pô Sah Inư, cùng với đó là niềm vinh dự khi Bình Thuận được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia – đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Po Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong).
Việc tổ chức Lễ hội Katê hàng năm tại di tích tháp Pô Sah Inư và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định tặng Bằng khen và Giám đốc Sở VHTTDL cũng đã có Quyết định tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc trực tiếp tham gia khai quật, phát hiện, bảo quản và xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền thẩm định, công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng.
Nhân dịp Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm, Lãnh đạo UBND tỉnh có quà và hoa chúc mừng bà con người Chăm và Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận.
Tiếp nối lễ khai mạc, đồng bào Chăm và du khách đồng lòng hướng về Nghi thức thỉnh Y trang nữ thần Pô Sah Inư về tháp chính. Đoàn rước là những người được tuyển chọn, tập luyện suốt hơn một tháng trước khi Nghi thức Nghinh thỉnh diễn ra. Những cô gái tuổi đôi mươi tươi cười, nhịp nhàng xoay vòng, uyển chuyển tay quạt theo điệu trống, điệu kèn. Các chàng trai mạnh mẽ từng hồi trống và vững vàng vai to nâng kiệu trong niềm hân hoan. Rồi tất cả cùng nhau tiến về tháp chính, cùng thực hiện nghi lễ chính do các chức sắc của huyện Hàm Thuận Bắc chủ trì.
Sau nghi thức Nghinh thỉnh Y trang, đồng bào Chăm cùng vui vẻ thi tài trong trò chơi hấp dẫn là giã gạo. Trong suốt 2 ngày diễn ra lễ hội, du khách đã được thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm, làm gốm, dệt thổ cẩm, làm bánh gừng và mua các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương về thưởng thức, làm quà cho bạn bè.
Dẫu chỉ diễn ra trong hai ngày, nhưng Lễ hội Katê nơi tháp Chăm Pô Sah Inư – Lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn là một trong những lễ hội đặc sắc nhất. Người Chăm có tiếng nói, có chữ viết riêng, lại có hệ thống các lễ nghi, lễ hội và nhiều loại hình nghệ thuật ca múa, âm nhạc vô cùng riêng biệt, đặc sắc. Lễ hội Katê diễn ra tương ứng trên một không gian rộng lớn từ đền tháp cho đến các xóm làng rồi đến các dòng tộc, gia đình tạo thành một dòng chảy Lễ hội xuyên suốt, liên tục, đặc sắc và riêng biệt. Không chỉ góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc Chăm nói riêng mà cả nền Văn hóa Việt Nam, Lễ hội Katê cũng là điểm nhấn quảng bá nét đẹp truyền thống của quê hương Bình Thuận đến với du khách trong và ngoài nước.
Sau khi tham gia các hoạt động của Tết Ka tê trên tháp Po sah I nư, đồng bào Chăm tiếp tục về địa phương và gia đình tổ chức vui hội. Dịp này ghé thăm các làng Chăm ở Bắc Bình hay Tánh Linh, Hàm Tân – Lagi, các bạn đừng quên đem 1 ít bánh gừng về làm quà cho người thân, bạn bè nhé.
Bài và ảnh Thùy Tiên, Ngọc Dân